Nhà trường luôn nỗ lực xây dựng không gian “văn hóa đọc”: Thư viện thân thiện – tại trường; Thư viện 50K – tại lớp
Khác với thư viện truyền thống, tại Trường Tiểu học Đặng Cương một “Thư viện xanh” tại khu nhà vòm, rợp bóng cây xanh đã thu hút sự thích thú và ham đọc sách, báo hơn đối với học sinh. Thư viện có hàng nghìn đầu sách, chủ yếu là sách thiếu nhi, truyện tranh, sách khoa học, danh nhân văn hóa thế giới phù hợp với mọi lứa tuổi học sinh. Có thể nói, đây là một địa điểm lý tưởng giúp các em có tinh thần học tập thoải mái, dễ dàng trao đổi kiến thức, góp phần hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu của bản thân, nhất là khi văn hóa đọc đang dần bị lãng quên, độc giả trẻ chưa tìm thấy đam mê đọc sách bởi sự phát triển mạnh mẽ của các xu hướng công nghệ, tiện ích mới.
Học sinh hăng say đọc sách tại “Thư viện thân thiện” “Thư viện 50K”
Tại Trường Tiểu học Đặng Cương vào giờ ra chơi, thay vì chạy nhảy, nô đùa, nhiều em học sinh nhanh chóng chạy lại thư viện cuối lớp để tìm cho mình cuốn sách ưng ý. Cô Bùi Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Cương cho biết: Ðể hình thành thói quen, kỹ năng và phong trào đọc cho các em, bên cạnh việc duy trì mô hình thư viện truyền thống với giá sách và bàn đọc, nhà trường xây dựng mô hình “Thư viện 50 K tại lớp” với nhiều đầu sách ; thiết kế những tủ sách, góc đọc, góc tra cứu trong khuôn viên trường; đồng thời thường xuyên bổ sung đa dạng các đầu sách để phù hợp với nhu cầu của học sinh. Ngoài ra, để truyền cảm hứng đọc cho các em, các buổi chào cờ, các buổi hoạt động ngoại khóa, các cô giáo chủ nhiệm chọn những quyển sách hay, ý nghĩa để giới thiệu đến các em. Bên cạnh đó, trong các tiết đọc mở rộng, đọc thư viện các cô giáo cũng tổ chức các buổi chia sẻ, kể lại những câu chuyện, tác phẩm mà các em đã đọc bằng theo từng chủ điểm của Sách giáo khoa. Phải dành thêm nhiều thời gian hơn để đầu tư cho không gian và chủ đề trong các tháng, nhưng đây lại là niềm vui mỗi ngày của thầy cô giáo, bởi điều này chứng tỏ học sinh đã có thói quen và hứng thú hơn với việc đọc sách.
Luôn tạo hứng thú, định hướng cách đọc sách cho học sinh
Tại lớp 4D- trường Tiểu học Đặng Cương, dự án “Bông hoa tri thức” được xây dựng để tạo hứng thú của học sinh, định hướng cách đọc và chia sẻ vốn đọc. Mỗi lớp chia thành các nhóm nhỏ (theo thể loại sách). Từ các nhóm nhỏ, trên cơ sở tương tác về cuốn sách của nhau, học sinh trong nhóm chọn ra cuốn sách của nhóm mình. Sách được cả nhóm đọc kĩ để chuẩn bị cho việc mô phỏng nội dung của sách theo từng nội dung trên mỗi cánh hóa. Cuốn sách mà nhóm chọn được sống trong một môi trường đặc biệt: vừa sinh động hóa vừa chuyên sâu hóa. Từ các cuốn “sách nhóm”, học sinh thống nhất chọn lọc tiếp một cuốn “sách hay” để tiếp tục cùng giáo viên trao đổi, bàn luận. Kết thúc dự án “Bông hoa tri thức” là một bài viết thu hoạch đòi hỏi học sinh trình bày, đánh giá về bài học cuộc sống mà cuốn “sách hay” đặt ra hoặc ấn tượng, cảm xúc về cuốn sách mà học sinh đó chọn ngay từ đầu.
Triển khai dự án “ Bông hoa tri thức”tại lớp 4D
Với cách triển khai này, giáo viên có thể kiểm tra mức độ tương tác của học sinh qua việc hỏi về cuốn sách mà học sinh cùng nhóm đã chọn. Hơn nữa, qua việc tóm tắt, thuyết trình, trưng bày sách, thảo luận, giáo viên có thể đánh giá được các kĩ năng toàn diện của học sinh. Các năng lực nghe - nói - đọc - viết đều được huy động trong hoạt động này. Việc đánh giá học sinh không trở nên cứng nhắc, một chiều mà rất linh hoạt và đa diện. Trong hoạt động này, giáo viên dần dần cũng được học sinh cuốn vào cuộc chơi. Giáo viên trở thành người bạn cùng đọc, cùng suy nghĩ với học sinh. Mỗi cuốn sách không chỉ mở ra chân trời mới đối với học sinh, mà còn mang đến sự mới mẻ đối với người dạy học. Học sinh dần nhận ra ý nghĩa sâu sắc của việc đọc sách.
Mong rằng, những nỗ lực xây dựng không gian “văn hóa đọc” trong trường học sẽ tạo môi trường lành mạnh giúp học sinh rèn luyện thói quen tiếp xúc hàng ngày với tri thức mới qua những trang sách, từ đó góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nên những tính cách tốt đẹp cho học sinh.