Sinh thời, Bác Hồ kính yêu từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho Nhân dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Mỗi lần Tết đến, Xuân về, Bác lại nghĩ đến dân, lo sao cho dân có một mùa xuân ấm no, hạnh phúc.
Với Bác, dù công việc vô cùng bận rộn song Người luôn tranh thủ sắp xếp thời gian để đến thăm hỏi, chúc Tết đồng bào, đồng chí. Bác đến với mọi người trong ngày Tết bằng tất cả trái tim yêu thương, bằng tình cảm và sự quan tâm, chia sẻ, động viên chân thành nhất. Tình yêu thương con người của Bác mênh mông như biển cả, sâu thẳm như đại dương. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”. Lòng yêu thương con người của Bác không chung chung trừu tượng mà gắn bó với những con người cụ thể, vừa bao la rộng lớn lại vừa gần gũi thân thương với từng số phận.
Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến!
Hôm nay em xin giới thiệu tới thầy cô và các bạn Câu chuyện Bác Hồ đến thăm người nghèo đây là một minh chứng tiêu biểu cho tình yêu thương con người của Bác, như một bài ca đẹp đi cùng tháng năm về tình yêu bao la của Bác Hồ.
‘Tối 30 Tết năm Nhâm Dần (1962), đường phố mịt mờ trong làn mưa bụi. Trời rét, xe ô tô đưa Bác đến đầu phố Lý Thái Tổ thì dừng lại. Bác tới thăm gia đình chị Chín. Bác chọn một gia đình có nhiều khó khăn để đến thăm và chúc Tết. Chồng chị Chín mất, để lại 3 đứa con nhỏ. Chị không có công việc ổn định, gặp việc gì làm việc đó để lấy tiền nuôi con. Bác bước vào nhà, chị Chín sửng sốt nhìn Bác. Chiếc đòn gánh bổng rơi khỏi vai chị. Chiếc thùng sắt rơi xuống đất kêu loảng xoảng. Mấy cháu nhỏ kêu lên: “Bác, Bác Hồ” rồi chạy lại quanh Bác.
Lúc này chị Chín mới như chợt tỉnh, chị chạy tới ôm choàng lấy Bác rồi bỗng nhiên khóc nức nở. Đôi vai gầy sau làn áo nâu bạc rung lên từng đợt. Bác đứng lặng, hai tay Người nhè nhẹ vuốt lên mái tóc chị Chín. Chờ cho chị bớt xúc động, Bác an ủi: Năm mới sắp đến, Bác đến thăm thím, sao thím lại khóc?
Tuy cố nén, nhưng chị Chín vẫn không ngừng thổn thức, chị nói: Có bao giờ… có bao giờ Chủ tịch nước lại tới thăm nhà chúng con mà bây giờ mẹ con chúng con lại được thấy Bác ở nhà. Con cảm động quá, mừng quá thành ra con khóc. Bác nhìn chị Chín, nhìn các cháu một cách trìu mến và bảo: Bác không tới thăm những người như mẹ con thím thì thăm ai?
Người xoa đầu các cháu và cho các cháu kẹo, rồi hỏi chị Chín: Thím hiện nay làm gì?
Dạ, cháu làm phu khuân vác ở Văn Điển ạ.
Như vậy là làm công nhân chứ, sao lại gọi là phu?
Vâng ạ, cháu trót quen miệng như trước kia.
Thím vẫn chưa có công việc ổn định à?
Dạ, cháu đã ngoài 30 tuổi lại kém văn hóa nên tìm việc có nghề nghiệp cũng khó.
Bác quay sang nhìn đồng chí Phó Bí thư Thành ủy và đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, Bác lại hỏi: Mẹ con thím có bị đói không?
Thưa Bác, hồi Tây còn ở đây thì dẫu có cả bố cháu cũng vẫn đói ạ, bây giờ bố cháu mất rồi, nhưng đói thì không ngại, rét cũng không lo, song việc chi tiêu thì còn chắt chiu lắm ạ. Nói tới đây chị lại rơm rớm nước mắt.
Bác chỉ vào cháu lớn nhất và hỏi: Cháu có đi học không?
Dạ, cháu đang học lớp bốn ạ. Cháu nó vất vả lắm, sáng đi học, chiều về phải trông các em và đi bán kem hoặc bán lạc rang để đỡ đần cháu. Còn cháu thứ hai thì học lớp ba, cháu thứ ba thì học lớp hai. Dạ, khó khăn nhưng vợ chồng cháu trước đã dốt nát nay cũng phải cố cho các cháu đi học. Bác tỏ ý bằng lòng, Người ân cần dặn dò việc làm ăn và việc học tập cho các cháu.
Nhân dân trong ngõ đã tới quây quần trước sân. Bác bước ra thăm hỏi và chúc Tết bà con. Mọi người cùng mẹ con chị Chín theo tpiễn Bác ra xe. Khi chiếc xe từ từ lăn bánh, mấy mẹ con chị vẫy chào Bác, nhưng nét mặt chị vẫn bàng hoàng như việc Bác vào thăm Tết nhà chị không rõ là thực hay hư. Trên đường về Phủ Chủ tịch, mưa xuân vẫn như rắc bụi, vầng trán mênh mông của Người còn đượm những nét suy tư. Sau Tết, Bác đã chỉ thị cho Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội phải chú ý tạo công ăn việc làm cho những người lao động gặp nhiều khó khăn như chị Chín”.
Câu chuyện “Bác Hồ đến thăm người nghèo” là câu chuyện nhỏ trong muôn vàn câu chuyện lớn kể về Người nhưng lại chứa đựng bài học rất lớn, bài học Bác dạy cho chúng ta là bài học về tình yêu thương con người, bài học về đạo lý làm người. Tình yêu thương con người được thể hiện trước hết là tình thương với đại đa số Nhân dân, tình yêu thương đối với những người lao động nghèo và tình yêu thương đối với những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Có thể nhận thấy rằng đâu đó trong cuộc sống vẫn còn nhiều bạn thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, cần được sự quan tâm và giúp đỡ. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân; Mỗi bạn học sinh cũng cần chung tay tiếp sức hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách đến trường thông qua các phong trào mà nhà trường phát động nhé. Và đối với bản thân mỗi chúng ta cần phải tiết kiệm, chống lãng phí từ những việc làm và hành động nhỏ nhất, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
(Học sinh: Trần Thị Khánh Vân - Lớp 3E)