"Tâm hồn cao thượng" gồm những câu chuyện nhỏ, diễn ra theo thứ tự thời gian xuyên suốt năm lớp 3 của Enrico, nhưng lại là những vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Gia đình Enrico Bottini thuộc tầng lớp thượng lưu trong khi nhiều bạn cùng lớp lại xuất thân từ tầng lớp lao động. Đó chính là lý do, dù là trong thế giới của những đứa trẻ, những va đập xã hội vẫn diễn ra liên tục. Bất ngờ là sau những va đập đó, những mảnh vỡ nhặt được lại lóng lánh giá trị sống: lòng yêu nước, sự chân thành và hơn cả, là sự tử tế của mỗi con người.
Trong bối cảnh mà lòng tốt bị đem ra mổ xẻ, ứng xử tử tế có thể gây nên nhiều hồ nghi, giới trẻ xem nút “Like” trên mạng xã hội là lẽ sống như hiện nay thì "Tâm hồn cao thượng" thực sự là một cơn gió mát.
Đọc “Tâm hồn cao thượng” ta thấy rằng, trong tâm hồn ai cũng chứa đựng những rung cảm đẹp đẽ, và nếu ta có cách để chạm được vào sự rung cảm ấy, thì tiếng hát tha thiết yêu dấu nhất về con người và đời sống sẽ được cất lên xôn xao khắp ngõ phố. Mọi người đều trung thực, yêu quý và luôn sẵn sàng chia sẻ với nhau. Đời sống như thế thật sự sẽ dễ chịu vô cùng.
Những người bạn xuất hiện trong cuốn nhật ký của Enrico đều vô cùng đáng mến. Đerotxi thông minh, nhiệt tình và ham học. Coretti chịu khó, chăm chỉ; vừa giúp bố mẹ việc nhà vừa lo đảm bảo việc học. Và cái anh chàng con bác thợ nề nữa, lúc nào cũng giở trò sứt môi, trông hay đáo để đấy. Những đứa trẻ ấy là những đứa trẻ được sống trong bầu không khí thật cao thượng, thật nhân ái.
"Tâm hồn cao thượng" khắc hoạ hình ảnh những người thầy, người cô luôn tận tâm với học trò, và hết lòng yêu thương những đứa học trò như gia đình của mình.
Xen giữa những đoạn nhật ký nhỏ nhắn, ngây thơ và trong sáng và chân thành của cậu bé Enrico là những lá thư mà cha Enrico đã gửi cho cậu mỗi khi cậu làm điều gì đó sai trái hay khi cậu vụng về không biết cư xử ra sao với bạn bè, thầy cô, và những người cần lao xung quanh. Bằng giọng điệu nhẹ nhàng, thủ thỉ, tâm tình, ông đã viết nên những điều khuyên răn rất giản dị nhưng chan chứa tình yêu thương, khiến Enrico từ ấy mà biết suy nghĩ sâu sắc hơn, trưởng thành hơn qua từng trang nhật kí. Đến cuối cùng của câu chuyện Tâm hồn cao thượng, cậu bé Enrico đã có một năm học đầy trải nghiệm và vô cùng thú vị.
Tác phẩm “Tâm hồn cao thượng” của De Amicis được đánh giá là một trong những cuốn sách viết về học trò hay nhất, với những câu chuyện vô cùng trong sáng thơ ngây nhưng lại để lại nhiều băn khoăn, trăn trở sâu sắc với những người trưởng thành. Chúng ta phải làm sao để có thể gieo trồng và phát triển được những tâm hồn cao thượng ấy!?
De Amicis viết Tâm hồn cao thượng bằng một lối viết vô cùng giản dị, khiêm nhường nhưng đây chính là một cuốn sách có thể tạo được sức quyến rũ mãnh liệt, khiến mọi đối tượng độc giả đều có thể tìm thấy họ ở đó, và rồi sẽ say sưa khám phá.
Thời gian trôi đi, nhưng những gì tác giả gửi gắm qua từng bài học của thuở đầu đời về công ơn cha mẹ; về lòng yêu nước, thương người; về tình thầy trò, bè bạn vẫn không bao giờ cũ, không bao giờ thừa! Những bài học trong từng trang sách không chỉ hữu ích cho những công dân tốt tương lai mà còn hết sức quý báu.
Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!
Đọc sách: TẠI ĐÂY!
Đôi nét về tác giả:
Edmondo De Amicis (1846 – 1908) là một nhà văn, nhà báo và nhà thơ người Ý. Ông được biết đến với tác phẩm dành cho thiếu nhi nổi tiếng toàn thế giới Những tấm lòng cao cả. De Amicis sinh tại Oneglia, thành phố biển Imperia của xứ Liguria, Italia. Ông vào trường quân đội ở Modena và trở thành sĩ quan trong quân đội của Vương quốc Ý mới.
Năm 1886, Tâm hồn cao thượng (nguyên tác có tên là Cuore, theo tiếng Ý có nghĩa là Trái tim) tác phẩm của ông chính thức ra mắt. Ngay sau đó, sức hút từ những câu chuyện trong tác phẩm đã chinh phục trái tim của người đọc không chỉ ở Ý mà còn lan tỏa khắp thế giới. Sách được dịch ra hàng trăm ngôn ngữ khác nhau. Cho đến tận bây giờ, Tâm hồn cao thượng vẫn là một trong những tác phẩm có sức sống bền bỉ trong đời sống xuất bản của nhiều quốc gia.
Những trích dẫn hay:
1. “Ở chuyến bay cuối cùng, không một ai được mang theo hành lý – kể cả xách tay lẫn ký gửi – trừ lòng cao thượng.”
2. "Cô đã quan tâm và đối xử với chúng con như lòng mẹ đối với con cái. Cô đã buồn khi uốn nắn mãi cho một trò cách cầm bút cho ngay mà chưa được, cô hồi hộp khi thấy chúng con bị giám khảo hỏi bài thi, và vui vẻ khi thấy chúng con ăn mặc gọn gang, sạch sẽ. Cô giáo thân yêu ơi, con sẽ không bao giờ, không bao giờ quên cô!"
3. "Sách vở của con là vũ khí, lớp học của con là quân đội, chiến trường là cả thế giới này, và chiến công là nền văn minh của cả nhân loại. Đừng làm một tên lính hèn nhát, Enrico của bố!"
4. "Enrico, bố muốn con ghi nhớ điều này thật kỹ, trong suốt cuộc đời mình, con rồi sẽ gặp nhiều ngày tồi tệ, nhưng ngày tồi tệ nhất sẽ là ngày con mất mẹ. … và lòng con sẽ quặn đau vì mong muốn được nghe lại, dù chỉ một lần, giọng nói của mẹ, và muốn một lần nữa có được vòng tay rộng mở của mẹ để mà nhào đến, mà thổn thức như một đứa trẻ bơ vơ cần sự chở che và vỗ về."
5. "Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng nhất của con người, thật bất hạnh thay cho kẻ nào giẫm đạp lên nó."
6. "Đừng tạo cho mình thói quen thờ ơ trước những người cùng khổ, nhất là trước một người mẹ đang xin ăn cho con mình. Con hãy nghĩ đến cơn đói của đứa trẻ và nỗi đau của người mẹ và thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Nếu đứa trẻ ấy là con và người mẹ khốn khổ ấy là mẹ thì sao?"
7. "Hôm nay các con vui mừng đón mùa đông, nhưng bố mong con không quên nghĩ đến hàng nghìn sinh linh khác đang chịu khổ sở, thậm chí phải chết do những khắc nghiệt của mùa đông."
8. "Những gì bị vấy lên quần áo trong lúc làm việc thì đều không phải là vết bẩn con trai ạ."
9. "Dù con có yêu thương bố đến nhường nào cũng không khiến bố hài lòng nếu như con không trải tình thương đó cho tất cả những người xứng đáng, những người đang giúp đỡ con."
10. "Ngày hôm nay tôi sẽ làm một điều gì đó khiến cho lương tâm tôi tự hào về tôi, khiến bố tôi hài lòng, khiến tôi được bạn bè, thầy cô, anh chị em, hay những người khác yêu thương."
11. "Mỗi khi gặp một cụ già yếu sức, một người nghèo, một phụ nữ bế con nhỏ, một người phải chống nạng, một người đang mang vác nặng, hay một gia đình đang đưa tang, con hãy kính cẩn nhường đường cho họ đi trước. Chúng ta phải kính trọng người già, người đang trong hoàn cảnh khốn khó, người có con nhỏ, người yếu đuối, người lao động, và cả người đã khuất."
12. "Con hãy luôn ghi nhớ, nếu không trân trọng giữ gìn những tình bạn thiêng liêng này, trong tương lai con sẽ rất khó có thể gặp được những tình bạn tương tự…"
13. "Cậu được ôm mẹ, còn tớ sẽ chẳng còn được ôm mẹ tớ nữa rồi. Cậu vẫn còn mẹ, mà mẹ tớ thì mất rồi."
14. "Chẳng có gì dưới gầm trời này có thể thay thế được vị trí của một người mẹ tốt cả. Trong những nỗi buồn, trong những niềm an ủi mà cuộc đời có thể sẽ mang đến cho bạn, bạn vẫn sẽ không bao giờ quên được mẹ mình. Nhưng bạn phải nhớ về mẹ, yêu thương mẹ, xót xa đau đớn cho sự ra đi của mẹ theo một cách xứng đáng với Người."
15. "Trường học cũng là một người mẹ… Trường học đã lấy con khỏi vòng tay mẹ khi con mới vừa biết nói, và bây giờ nó đưa con trở về với mẹ, khỏe mạnh, tốt bụng, chăm chỉ."
Trích sách “Tâm hồn cao thượng”